pacman, rainbows, and roller s
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Bởi vì thấu hiểu cho nên từ bi


Phan_4

Còn hết thay mọi thứ ở bên nhà người cha – ông Trương Đình Trọng – cô đều coi thường. Trong Chuyện riêng, cô viết, “Thuốc phiện, vị lão tiên sinh dạy em trai tôi Hán cao Tổ luận, tiểu thuyết chương hồi, tất cả cứ sống một cách lười nhác và âm thầm như thế. Giống như người Ba Tư tôn sùng Hỏa giáo[2], tôi miễn cưỡng chia thế giới thành hai nửa, ánh sáng và đêm tối, thiện và ác, thần và quỷ. Những thứ thuộc về bên cha tôi chắc chắn là không tốt đẹp gì…” Có thể thấy, trong tâm hồn Trương Ái Linh luôn phải đè nén sự hỗn loạn, cuộc sống mòn gỉ. Nhưng nội tâm cô có lúc lại thích thú cảm giác này, thích thú khói mù của thuốc phiện, thích thú ánh mặt trời như sương mù, còn có những tờ báo khổ nhỏ chất lung tung trong phòng. Cô biết cha cô cô đơn, chỉ là mỗi khi cô đơn ông mới biểu lộ tình cảm dịu dàng.

[2] Hỏa giáo (Zoroastrianism) còn được gọi là Bái hỏa giáo, Hỏa yêu giáo hoặc Đạo Zarathushtra là một tôn giáo cổ của Ba Tư do nhà tiên tri Zarathushtra sáng lập cách đây 1000 năm trước Công nguyên, và là một trong những tôn giáo lâu đời nhất của nhân loại, với bộ kinh chính thức là kinh Avesta (Cổ kinh Ba Tư).

Cho dù như thế cũng không thay đổi được điều gì, yêu vẫn là yêu, hận vẫn là hận. Trong trái tim bé nhỏ của cô bắt đầu có kế hoạch to lớn. Cô khao khát sau khi tốt nghiệp trung học sẽ được đến Anh học đại học. Cô muốn mình nổi tiếng hơn cả Lâm Ngữ Đường, muốn mặc những bộ y phục tân kỳ nhất, được du lịch khắp thế giới. Ở Thượng Hải, cô có nhà của riêng mình, sống cuộc sống giản đơn phóng khoáng. Giản đơn phóng khoáng chính là cá tính của Trương Ái Linh. Cô ghét kiểu quẩn quanh vướng mắc mãi mà không dứt. Cô thà tự mình cắt đứt hết thảy nhung nhớ, dù là máu thịt nhạt nhòa, cũng không hề tiếc nuối.

Nhưng thế sự bất ổn, biển người chìm nổi, đó đâu phải nơi mà bản thân có thể làm chủ. Cha cô lại sắp kết hôn, khi người cô nói cho Trương Ái Linh tin này, cô đã bật khóc. Trước đây, cô đã từng đọc rất nhiều tiểu thuyết nói về mẹ kế, nhưng không ngờ câu chuyện này lại vận vảo bản thân mình. Khi đó, trong lòng Trương Ái Linh chỉ có cảm giác bức bách: “Cho dù thế nào cũng không thể để chuyện này xảy ra. Nếu người phụ nữ đó ở trước mặt, đang đứng tựa vào lan can sắt, tôi nhất định sẽ đẩy cô ta từ ban công xuống, một trăm lần đều làm như thế cả trăm lần”. Đây chẳng qua chỉ là câu nói đùa của một đứa trẻ bướng bỉnh, mặc dù cô có thể chấp nhận chuyện này hay không, thì việc cha cô sắp tái hôn vẫn là một sự thực không thể xóa bỏ được.

Gia đình này lại một lần nữa phải di chuyển và thay đổi. Lần này, họ chuyển đến căn nhà Tây năm xưa, cũng chính là nơi Trương Ái Linh chào đời. Trước đó cô không hề có bất cứ ký ức nào về nó, khi đã có đủ năng lực suy nghĩ, đến kiểm tra ngắm nghía căn nhà này, cô chỉ cảm thấy căn nhà cũ đã gánh chịu quá nhiều dấu ấn của lịch sử, lặp lại quá nhiều câu chuyện gia tộc, đến bầu không khí cũng trở nên mơ hồ.

Cô nói, những nơi có mặt trời khiến người ta buồn ngủ, những nơi đầy bóng râm lại có hơi lạnh của mộ cổ. Ở nơi đây, cô thường xuyên không thể phân biệt được, lúc nào tỉnh táo, lúc nào mơ hồ. Nhưng có điều cô rất rõ, cô không thích căn nhà này, không thích gia đình này, vì ở đây không có một ai đáng để cho cô yêu mến.

Người mẹ kế Tôn Dụng Phàn cũng hút thuốc phiện, cô ta và tài nữ đương thời Lục Tiểu Mạn là bạn thân, vì cả hai đều nghiện thuốc, cho nên được gọi là một cặp “Phù dung tiên tử”. Khi ấy, Lục Tiểu Mạn và Từ Chí Ma đang sống ở thôn Tứ Minh, thường xuyên mở tiệc mời Tôn Dụng Phàn, vì thế, Trương Ái Linh cũng từng có lần may mắn được tham dự, nhưng trong văn chương của cô về sau này không hề nhắc đến Lục Tiểu Mạn. Có lẽ, cô đã chuyển sự căm ghét đối với mẹ kế sang Lục Tiểu Mạn. Ở thời Dân Quốc, Lục Tiểu Mạn là một cô gái giống như hoa anh túc, một yêu tinh thập toàn thập mỹ. Không biết bao nhiêu người uống chén thuốc độc phong tình thơm ngát đó xong, đứt ruột mà chết, không hề hối hận.

Kỳ thực, mẹ kế đối xử với Trương Ái Linh cũng không tệ, càng không đến nỗi gọi là cay nghiệt. Trước khi được gả đến Trương phủ, cô ta nghe nói vóc dáng của mình và Trương Ái Linh cũng tương đương, nên đã mang hai hòm quần áo mà chất liệu đều là loại thượng hạng của mình đến cho Trương Ái Linh mặc. Nhưng Trương Ái Linh lại cho rằng hành động đó là bố thí, là làm nhục cô, cô vẫn không chịu tha thứ. Trong Đối chiếu ký cô từng viết: “Có một thời kỳ sống dưới ách thống trị của mẹ kế, bị ép mặc quần áo thừa của cô ta. Vĩnh viễn không thể quên được chiếc sườn xám bằng gấm mỏng màu hồng đậm, cái màu thịt bò chết, mặc hay không mặc vào người, đều thấy toàn thân như tê cóng, mùa đông đã qua, mà vẫn còn những vết sẹo của chứng tê buốt – đó chính là sự căm ghét và tủi nhục”.

Ngôn ngữ sắc bén nhường này, chính là không buông tha. Ngẫm ra trên văn đàn, ngoài Trương Ái Linh ra, mấy người có được bút lực như vậy, mấy người có thể miêu tả một chiếc áo cũ lâm ly tinh tế đến thế. Đó là vì cô quá kiêu hãnh, quá tự tôn. Về sau Trương Ái Linh dùng ngòi bút tài hoa kỳ diệu của mình, nhiều lần phê phán hình tượng của mẹ kế Tôn Dụng Phàn. Kỳ thực Tôn Dụng Phàn cũng xuất thân từ danh gia vọng tộc hiển hách, chỉ là sau này gia đạo sa sút, mà Trương Đình Trọng lại được thừa kế sản nghiệp lớn của tổ tiên, nên Tôn Dụng Phàn ngoài “ả phù dung” làm tri kỷ ra, thì chưa hề phạm bất cứ lỗi lầm nào. Nếu như không phải chịu ảnh hưởng của gia cảnh, không bị nghiện thuốc phiện, cô ta cũng không cần làm vợ kế của Trương Đình Trọng, càng không cần làm mẹ kế của hai đứa trẻ. Nhưng sự căm ghét của Trương Ái Linh với cô ta là điều đương nhiên. Trên thế gian này, có lẽ không có đứa trẻ nào có thê khoan dung đến độ thích mẹ kế của mình một cách thực lòng. Cô không thích về nhà, vì không mốn nhìn thấy cảnh tượng trụy lạc cha và mẹ kế cùng nằm trên sập, hút thuốc phiện nhả khói mù mịt. Trong mắt Trương Ái Linh, Tôn Dụng Phàn quá ti tiện, quá hèn hạ, chỉ biết chìm đắm trong hoan lạc, mặc kệ ngày tháng trôi qua như thoi đưa.

Điều khiến Trương Ái Linh cảm thấy đau khổ nhất là, ngày ngày cha và mẹ kế sống một cuộc sống xa xỉ và buông thả như thế, nhưng lại không cho cô tiền nộp học phí học đàn piano. Trương Ái Linh còn nhớ, mỗi lần xin cha tiền học phí, đều gặp phải sự trì hoãn thoái thác của ông: “Tôi đứng trước cửa hiệu thuốc phiện, rất lâu, rất lâu, mà vẫn không được trả lời”. Đối với một bé gái cực kỳ giàu lòng tự tôn mà nói, đây chắc chắn là một sự tổn thương không thể nào tha thứ được. Trên thế gian không có nơi nào có thể tìm được những thứ quý giá nữa, điều cô có thể làm là khiến cho bản thân mình càng sạch sẽ hơn, thoải mái hơn.

Tháng ngày như thêu, tuế nguyệt kết kén. Những thứ đã cho rằng tốt đẹp trong ký ức, đến nay lại hoàn toàn ngược lại. Dù cho như thế, ngày tháng như mây vẫn phải trôi qua một cách cố chấp, dẫu đi đến nơi sơn cùng thủy tận, cũng sẽ có một ngả rẽ để bạn bước ra. Chỉ là vầng trăng sáng treo ngoài cửa sổ đó, khi tỉnh mình ta biết, khi say ai người hiểu đây?

Vườn trường xanh xanh

Tôi không nỡ nhìn anh vui vẻ, điều ấy càng khiến tôi buồn lòng hơn! Tạm biệt! Nhân sinh hợp tan, vốn là bình thường, dù thế nào chúng tôi vẫn sẽ có một ngày chia tay đầy nước mắt!

(Trương Ái Linh ngữ lục)

Tháng ngày im lìm, khi bạn tựa cửa nghe mưa rơi, ngồi trên lầu gác ngắm mây bay, thì năm tháng đã trôi qua thật xa. Con người đi giữa thế gian, đều phải đeo những chiếc mặt nạ khác nhau. Không phải vì giả tạo, mà là rất nhiều lúc cần phải trốn tránh tự nhiên, thuận theo hoàn cảnh. Nếu bạn không thể thay đổi cuộc sống, thì phải vì cuộc sống mà đổi thay chính mình.

Khi còn rất nhỏ, Trương Ái Linh đã hiểu được đạo lý này. Cha tái hôn, khiến cô dẫu chán ghét nhưng vẫn phải quay về căn nhà ấm dương hỗn độn đó. Nhìn em trai chịu sự ngược đãi, nhưng lại không biết trốn tránh ở đâu, cô thấy đau lòng cực độ. Đối mặt với sự châm chọc cạnh khóe của mẹ kế, cô cũng bó tay hết cách, chỉ cảm thấy nhục nhã muôn phần. Nhìn gương mặt khóc lóc của mình trong gương, cô từng nghiến răng thề: “Sẽ có một ngày ta phải báo thù”.

Sau này, Trương Ái Linh từng nói, những năm trung học cô sống không hề vui vẻ, nội tâm bị đè nén, đối diện với những người những việc mà mình không thể làm gì được, cô luôn giữ im lặng. Chỉ khi đến nhà người cô hoặc là khi ở trường, ngày tháng của cô mới được coi là tinh khiết giản đơn như nước, sáng tỏ thấu triệt như tranh.

Những năm trung học của Trương Ái Linh không phải chỉ toàn mưa thảm gió sầu. Cô cũng từng có rất nhiều niềm vui đơn thuần của một nữ sinh, từng trải qua những ngày rực rỡ nắm tay nhau giữa mùa xuân. Tính cô hướng nội, tư chất thẩm mỹ trời cho đều vượt trội so với đám bạn bè cùng trang lứa, hơn nữa cô thường không quan tâm để ý đến những chuyện vụn vặt của cuộc sống. Nhưng cô cũng thường cùng các chị em họ dạo phố, xem phim, dẫn em trai đi mua đồ ăn vặt.

Khi gặp người lạ, đa phần cô đều im lặng. Chỉ có khi đi cùng chị em họ và những người bạn học thân thiết, cô mới thể hiện là người vô cùng vui vẻ. Đặc biệt khi nhắc đến những bộ tiểu thuyết, bộ phim và những vở kịch mà cô thích, gương mặt cô hớn hở, bàn tán thao thao bất tuyệt. Khi ấy, bạn sẽ hoàn toàn quên mất rằng, cô là một cô gái tính tình lạnh lùng, trong lòng ẩn chứa vết thương sâu kín.

Mỗi người đều có nhiều tính cách, tùy những hoàn cảnh khác nhau mà thể hiện những cái tôi khác nhau, hoặc vui vẻ hoặc lạnh lùng; hoặc đơn giản, hoặc già dặn. Có lẽ chỉ khi phải đối diện với tâm hồn mình, con người mới có thể gỡ chiếc mặt nạ đang đeo đi, nhìn thấy cái tôi chân thực nhất của chính mình. Bởi dẫu có ở bên cạnh người mình yêu quý, cũng khó tránh khỏi cảm giác xa lạ và quạnh quẽ.

Khi học trung học, Trương Ái Linh đã say mê sáng tác và nhân lúc mọi người không chuẩn bị, đã một mình âm thầm cực khổ sáng tác. Do quá ham đọc sách, nên khi học trung học, cô đã bị cận thị, phải đeo kính. Dáng người cô cao, lại gầy, tuy mặc bộ đồ đơn giản nhưng vẫn không che giấu được khí chất văn nhã của người đọc sách. Có thể cô không đủ xinh đẹp, nhưng xưa nay cô luôn mang đến một cảm giác phi phàm, xuất chúng cho những người tiếp xúc với mình. Có người nói, một tài nữ như cô, chỉ cần có duyên đi lướt qua, là buộc phải ngoái lại nhìn.

Năm Trương Ái Linh mười hai tuổi, cô đã được đăng truyện ngắn đầu tiên Cô gái bất hạnh trên tập san Phượng Tảo của trường nữ sinh St’s Maria. Tuy chỉ vỏn vẹn một nghìn bốn trăm chữ, tình tiết cũng đơn giản non nớt, nhưng đối với một nữ sinh tuổi đời mới mười hai mà nói, chắc chắn đây là một chuyện kinh ngạc và tuyệt vời; đối với sự nghiệp sáng tác của cô thì đây cũng là một khởi đầu tốt đẹp và phi thường. Cô gái bất hạnh kể về bi kịch của một cô gái xinh đẹp thuần khiết bị hủy hoại, đối mặt với vận mệnh, nữ nhân vật chính chỉ có thể bỏ trốn, sống phiêu bạt suốt quãng đời còn lại của mình.

“Tôi không nỡ nhìn thấy anh vui vẻ, điều ấy càng khiến tôi buồn lòng hơn nữa! Tạm biệt! Nhân sinh hợp tan, vốn là bình thường, dù thế nào, chúng tôi vẫn sẽ có một ngày chia tay đầy nước mắt!”. Trương Ái Linh khi ấy, đã sớm quen với sự ly hợp của đời người. Hơn nữa đối diện với sự biệt ly, cô còn học được cách lạnh lùng trước mặt người khác, quay người mới rơi nước mắt. Cô biết, chặng đường nhân sinh đầy gian truân, đa phần chỉ có mình ta độc hành mà thôi.

Năm thứ hai, Trương Ái Linh lại tiếp tục đăng bài tản văn đầu tiên Chạng vạng trên tập san Phượng Tảo. Bài tản văn này thể hiện những suy nghĩ không hợp với lứa tuổi của cô. Trong sắc xuân rực rỡ mà mắt nhìn không xuể đó, cô lại than thở tuổi xuân đời người ngắn ngủi trôi mau, không được như những cánh bướm sớm sinh tối chết khiến người ta ngưỡng mộ biết mấy. Trong những năm tháng thanh xuân đẹp như hoa ấy, đáng lẽ cái cô nên nhìn là non xanh nước biếc mơn mởn. Nhưng lòng cô lại hướng đến những tâm sự đầy trắc đầy trắc trở, cảm thán cho mây khói đời người, cho mỹ nhân buổi xế chiều. Có lẽ, đây chính là điểm vượt trội của Trương Ái Linh, khiến chúng ta nhìn thấy một cô gái, đứng trong buổi hoàng hôn tuyệt đẹp, ngắm nhìn thời gian trôi qua như nước chảy, chầm chậm đi xa dần, xa dần.

Trương Ái Linh yêu những năm tháng ở trường học, cô thông minh bẩm sinh, thành tích các môn đều đứng đầu. Và điều quan trọng nhất là ở trường học, cô có thể tự do sáng tác. Nghe những lời khen ngợi của giáo viên, nhìn ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè, tự đáy lòng cô nảy sinh sự an ủi và niềm tự hào mà người bình thường đều có. Tình yêu sâu đậm với văn chương ấy, trong rất nhiều đêm tối trăng sáng sao thưa, càng trở nên sục sôi hơn nữa.

Trương Ái Linh thích học những tiết quốc văn (ngữ văn), vừa hay trường học lại mới có một thầy Uông tài hoa, có kiến thức sâu rộng và cực kỳ chú trọng môn quốc văn mới chuyển đến. Lúc đầu, thầy Uông chú ý đến Trương Ái Linh là vì một bài tập làm văn có tựa đề Ngắm mây với lối hành văn trôi chảy và từ ngữ hoa lệ của cô. Sau đó thầy Uông chủ động quan tâm đến cô ngày một nhiều lên. Khi ấy Trương Ái Linh cao ráo, nên ngồi ở góc trong của bàn cuối lớp với khuôn mặt không biểu cảm và cách ăn mặc tùy ý. Cô không xinh đẹp, nhưng ở cô lại toát lên một khí chất đặc biệt khiến người ta phải nhiều lần ngoái nhìn.

Trương Ái Linh yêu thích văn chương, tài tình xuất chúng, ngoài viết bài cho tập san của trường ra, cô không tham gia bất cứ hội thơ hay nhóm nhạc nào. Ấn tượng mà nữ sinh đặc biệt này để lại cho thầy giáo và bạn học là vừa cao ngạo lại vừa nhạt nhòa. Cô không chạy theo thói tục, cho nên giữa dòng người, thật khó nắm bắt được bóng dáng của cô. Thế nhưng cái tên Trương Ái Linh vẫn hiện hữu ở bất kỳ nơi đâu.

Về sau, trên tập san Quốc hưng của trường, Trương Ái Linh đăng những truyện ngắn như Trâu, Bá vương biệt Cơ, Ba nguyên tắc đọc sách báo cáo và Nhượng Hinh bình, trên tập san Phượng Tảo cho đăng Bàn về tương lai của truyện tranh. Trong đó, Bá vương biệt Cơ được đông đảo giáo viên và học sinh quan tâm và yêu thích. Thầy Uông cực kỳ tán thưởng bài văn này: “So với Cái chết của Sở Bá Vương[1] của Quách Mạt Nhượng, đơn giản có thể nói chỉ có hơn chứ không có kém, nếu cứ tiếp tục cố gắng, tiền đồ tương lai thật không thể đánh giá hết được!”.

[1] Viết đúng phải là Sở Bá Vương tự sát.

Nàng Ngu Cơ trong truyện ngắn này, không phải chết khi Hạng Vũ thất bại vì đường cùng quẫn bách không lối thoát, mà là chết khi hưng thịnh nhất, dẫn đến quá trình suy tàn đó. Người con gái tên gọi là Ngu Cơ dự báo trước được kết cục, nhân khi tất cả còn chưa đến điểm tận cùng, đã quyết liệt hủy diệt chính mình. Câu nói sau cùng của nàng là: “Ta thích kết cục đó”. Trương Ái Linh của năm ấy, mới mười bảy tuổi. Một thiếu nữ mười bảy tuổi, lại có thể nhìn thấu đời người như thế.

Mấy năm học trường nữ sinh St’s Maria, hoạt động mà Trương Ái Linh thực sự say mê là nghiên cứu Hồng lâu mộng. Thậm chí cô còn dành thời gian ngoài giờ học, để viết một bộ tiểu thuyết chương hồi tên là Hồng lâu mộng hiện đại, gồm hai tập thượng và hạ. Khi ấy, cô đã biết hiện đại hóa các nhân vật cổ điển, lối viết của cô rất đặc sắc mới mẻ, lại nghiêm khắc phê phán thế thái nhân tình. Cha cô đọc xong, cũng tán dương không ngớt. Cứ cách khoảng dăm ba năm, Trương Ái Linh lại đọc lại Hồng lâu mộng một lần. Cô từng than rằng: “Ấn tượng mỗi lần đều khác nhau. Hiện tại đọc lại chỉ thấy những phiền não nảy sinh giữa con người với con người. Khả năng thưởng thức của con người là có hạn, nhưng Hồng lâu mộng mãi mãi là tác phẩm ‘đòi một được mười’[2]”.

[2]“Đòi một được mười”: Một thành ngữ Trung Quốc, có nghĩa là bạn yêu cầu một phần, nhưng đối phương lại đưa cho bạn mười phần. Đây là lời khen ngợi tột bậc đối với tác phẩm.

Thời trung học đã đi đến hồi kết lúc nào không hay. Dường như có một giấc mơ đầy xúc động lưu giữ trong buổi sớm mùa xuân nào đó, còn chưa từng thức tỉnh. Còn có một thiếu niên dịu dàng, đứng dưới ngọn đèn đường bên ngoài trường học, chưa từng nắm tay, đã bỏ lỡ nhau. Những tháng ngày thanh xuân đã từng muốn lướt qua ấy rạng rỡ chói lòa như pháo hoa, tan thành tro bụi, không để dấu vết.

Đối với Trương Ái Linh, quãng thời gian học trung học này hẳn là khó quên. Nhiều năm về sau, cô vẫn sẽ nhớ đến rừng mai trong trường, những con đường nhỏ giao nhau chằng chịt và gác chuông cổ kính. Trong mái trường ấy, cô đã viết nên những áng văn vừa tươi mới lại vừa non nớt đó, cô đã quên đi rất nhiều điều không vui ở nhà. Đó cũng là nơi đã tác thành cho giấc mộng văn chương khiến cô kiêu hãnh một đời.

Trước lúc ra đi, Trương Ái Linh đã tự tay vẽ truyện tranh tặng cho lễ tốt nghiệp của các bạn nữ trên tập san của nhà trường. Mỗi người đều được cô tặng cho những vai diễn khác nhau. Trông rất sinh động có thần, thú vị và đa dạng. Cô tự vẽ mình thành một bà thầy bói tay cầm một quả cầu thủy tinh, chỉ là không biết, cô có thể bói cho vận mệnh của ai.

Bao năm trôi qua, chúng ta còn có thể nhìn thấy bức ảnh cũ của nữ sinh trường St’s Maria. Những nữ sinh tóc cắt ngắn, mặc sườn xám nhạt màu, thuần khiết biết bao, thánh thiện biết bao. Dầu cho đó chỉ là bức ảnh đen trắng, hơn nữa còn nhòe nhoẹt không rõ. Nhưng dòng sông thiếu niên ấy trong trẻo đến mức có thể nhìn xuyên đáy. Ký ức của những ngày xưa trầm tĩnh, an nhiên dưới đáy nước sâu. Nhìn mãi nhìn mãi, khiến người ta phải xúc động mà rơi lệ. Đó là vì chúng ta đều đã từng xinh đẹp, chỉ là không còn trẻ trung nữa mà thôi.

Tạm biệt, mái trường thuần khiết như sương sớm. Tạm biệt, tháng ngày làm bạn với tuổi thanh xuân. Phải tin rằng, ở bên bờ của năm tháng, sẽ có một con thuyền vượt sông, chở chúng ta đến một phương xa nào đó. Đóng cánh cửa quá khứ lại, trong ngõ nhỏ mà tháng năm vẫn còn lưu luyến, dường như luôn có một giọng nói đang hỏi: Có hay chăng một loại thanh xuân, mang tên trở lại?

Tái sinh sau tai nạn

Tất cả những gì liên quan đến việc cho và nhận niềm vui, đều không cần tính toán chi li nữa. Tính toán là gì? Đau khổ thì dài đằng đẵng, đời người thì ngắn ngủi vô cùng.

(Trương Ái Linh ngữ lục)

Thời gian xanh ngắt, đó là vì chúng ta đều đang già đi. Đến nay nhìn lại, Bến Thượng Hải vận những chiếc áo gấm hoa lệ, cao quý mà yểu điệu, tuyệt thế mà đơn độc. Thành phố này, vào những năm ba mươi của thế kỷ trước, đã từng trải qua khói lửa liên miên thời loạn thế, dấy lên vô số sóng gió giang hồ. Chỉ là biển biếc hóa nương dâu, tất cả của tất cả đều bị khóa kín trong tòa thành Quá Khứ đó, đã sớm tĩnh mịch an bình từ lâu.

Cơn gió Dân Quốc thổi lướt qua mọi ngóc ngách của Bến Thượng Hải. Mà con người của thời đại đó, luôn mải miết đi tìm chốn về của nhân sinh trong cơn hoang loạn. Sau này, trong văn chương của Trương Ái Linh, chúng ta luôn đọc được một từ “loạn thế”. Nhìn lại hoàn cảnh nơi cả đời cô sinh sống, những câu chuyện cô trải qua, quả sự là hỗn loạn liên miên. Có thể tầm nhìn của tôi thiển cận, nên luôn cảm thấy thế sự mênh mông như gió mây, cho dù trong thời thái bình thịnh trị, cũng không thể trốn tránh được cuộc đời máu lệ đan xen.

Mẹ của Trương Ái Linh đã về Trung Quốc giữa thời loạn lạc, người phụ nữ tân tiến mấy lần ra nước ngoài này, đã sớm quen với rối ren, không sợ gió sương. Đối mặt với sự kiện mẹ về nước, bề ngoài tưởng chừng Trương Ái Linh không để tâm, nhưng kỳ thực trong lòng cô lại đang dâng trào một niềm vui vô tận. Bởi Trương Ái Linh lúc này đã là một thiếu nữ đương tuổi xuân thì xinh đẹp, khí chất Âu Mỹ lãng mạn mê hoặc lòng người toát ra từ trên người mẹ cô, khiến cô say đắm ngất ngây. Những phong cảnh tuyệt diễm, những câu chuyện truyền kỳ của nước ngoài mà mẹ kể, khiến cô hết lòng ngưỡng mộ và say mê. Khi ấy, Trương Ái Linh chán ghét bầu không khí trong gia đình, không thể kìm được mong ước muốn ra nước ngoài.

Mẹ trở về, Trương Ái Linh càng không muốn quay về căn nhà của cha, cô thường xuyên ở lì ở nhà mẹ từ sáng đến tối, đến khi trăng nhú lên mới lưu luyến không nỡ quay về. Nhiều lần như thế, cha cô rất phật ý, ông cảm thấy đứa con gái mà mình nuôi nấng, dạy dỗ bao năm nay, đã để hết tâm trí ở nhà bên đó. Đặc biệt, khi Trương Ái Linh đề xuất muốn đi du học ở nước ngoài, Trương Đình Trọng liền nổi giận, nghĩ con gái đã bị mẹ ruột xúi giục. Mẹ kế được thể mắng nhiếc: “Mẹ mày đã ly hôn còn muốn can thiệp vào việc nhà này. Nếu đã không thể từ bỏ được nơi này, thì sao không quay về? Tiếc là đã muộn một bước, quay về cũng chỉ đành làm vợ lẽ thôi!”.

Sự sỉ nhục như thế, khiến nỗi căm hận của Trương Ái Linh đối mẹ kế ngày càng tăng. Trước sau gì Trương Đình Trọng vẫn là một người bảo thủ, Hoàng Dật Phạn và Trương Mậu Uyên ra nước ngoài, khiến ông lĩnh hội một cách sâu sắc rằng, một người phụ nữ chỉ cần bước vào con đường của thời đại mới, là không thể tìm lại được vẻ đẹp trang nhã truyền thống của phụ nữ phương Đông nữa. Và quan trọng hơn nữa là, trong nhà đã phải chi một khoản tiền khổng lồ cho hai người hút thuốc phiện, đến tiền học đàn piano của Trương Ái Linh ông còn tiếc không cho, thì làm sao có thể tình nguyện bỏ tiền cho cô đi du học?

Chiến tranh Tùng Hộ (13/9/1937 – 26/11/1937) bất ngờ nổ ra, toàn bộ Bến Thượng Hải chìm trong hỗn loạn với khói lửa và thuốc súng. Có người bỏ nhà bỏ cửa để chạy trốn, có người ngồi chờ chết, mặc sức hưởng lạc. Trong đêm nghe tiếng pháo súng, không thể nào yên giấc. Trương Ái Linh xin cha cho đến ở nhà người cô mấy ngày, Trương Đình Trọng biết con gái đến nhà cô có nghĩa là đến nhà mẹ, trong lòng tuy không vui, nhưng cũng không nỡ từ chối, đành đồng ý.

Đến nhà mẹ, giống như chim mỏi về tổ, mặc bên ngoài loạn thế rối ren, nhưng trong lòng cô lại trong sạch như lưu ly, không bị phiền nhiễu. Nhưng thời gian thúc giục con người, chớp mắt thôi đã hai tuần trôi qua. Khi cô hoàn toàn không tình nguyện quay về nhà cha, đã nhìn thấy mẹ kế mặt mày sầm sì ngồi trong phòng khách, căn vặn cô: “Tại sao mày đi mà không nói trước với ta một tiếng?”. Trương Ái Linh không biết làm thế nào, chỉ lạnh nhạt trả lời: “Con đã nói với cha rồi”. Mẹ kế giận dữ quát: “À, nói với cha rồi! Trong mắt mày còn có ta không?”.

Lời vừa thốt ra, một cái tát giáng xuống khiến cho Trương Ái Linh nảy đom đóm mắt. Trương Ái Linh cảm thấy nhục nhã bội phần, vốn muốn đánh trả, nhưng bị bà vú già trong phủ ngăn lại. Lúc ấy, mẹ kế giả vờ chạy lên lầu, hét lớn: “Nó đánh tôi! Nó đánh tôi”, rồi cha Trương Ái Linh không thèm hỏi rõ ngọn nguồn, đã đánh đập cô một trận.

“Trong khoảnh khắc đó, tất cả đều trở nên vô cùng rõ ràng, tiếp đó trong phòng ăn tối tăm bên ngoài cửa chớp, thức ăn đã được bày lên bàn, chiếc ang cá vàng trống rỗng, trên chiếc ang bằng sứ trắng vẽ những sợi rong màu đỏ cam. Cha tôi giậm giậm chiếc dép lê, chạy bình bịch xuống lầu, tóm lấy tôi, chân tay vung lên loạn xạ, quát lớn: ‘Mày còn đánh người! Mày đánh cô ấy thì tao đánh mày! Hôm nay tao phải đánh chết mày!’. Tôi cảm thấy đầu tôi hết chúi về bên này lại chúi sang bên kia, hết lần này đến lần khác, tai tôi ù đi. Tôi ngồi trên mặt đất, nằm sóng soài trên đất, ông vẫn túm lấy tóc tôi mà đá liên tục. Cuối cùng bị mọi người giằng ra…”.


Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_16
Phan_17
Phan_18 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .